Hiểu rõ về bạo hành gia đình

Có lẽ bạn đang tự hỏi liệu hành vi của người sống chung hoặc người đã từng sống chung với mình có bình thường không. Hoặc có lẽ bạn đang lo lắng cho một người nào đó thân thiết với mình. Hướng dẫn này được xây dựng nên nhằm giúp bạn hiểu rõ về bạo hành gia đình.

Kiểm chứng bởi Phó giáo sư Andreea Gruev-Vintila vào ngày 17/11/2023

Có thể sẽ rất khó để nhận ra rằng bạn đang gặp phải bạo hành gia đình do người sống chung với mình gây ra. Hãy nhớ rằng việc này có thể xảy đến với bất kỳ ai. Cứ ba người phụ nữ thì có một người gặp phải bạo hành gia đình trong đời, bất kể tình hình tài chính hay nghề nghiệp của họ. 

Một quan niệm sai lầm phổ biến đó là bạo hành gia đình chỉ là bạo hành về mặt thể chất. Nhưng nếu người sống chung hoặc người đã từng sống chung với bạn sử dụng nhiều chiến lược để chi phối, kiểm soát, ép buộc bạn tuân thủ quyết định của họ, hay khiến bạn phụ thuộc vào họ, thì đó chính là bạo hành gia đình. 

Chúng tôi sẽ giúp bạn từng bước xác định xem hành vi của người sống chung của bạn có phải là bạo hành gia đình hay không.

Cảm xúc của bạn

Cách tốt nhất để biết xem bạn có đang gặp phải bạo hành gia đình hay không là kiểm tra cảm xúc của bạn.

Khi gặp phải những hành vi được xem là bạo hành gia đình, bạn thường cảm thấy nghi ngờ bản thân. Nhưng hãy cố gắng tin tưởng bản thân: bạn là người duy nhất biết được mình đang trải qua điều gì và chúng khiến bạn cảm thấy như thế nào.

    • Kể từ khi tôi ở với họ, tôi cảm thấy bản thân mất hết tự tin.
    • Lúc nào tôi cũng rất cẩn thận về lời nói hay hành động của mình.
    • Đôi khi tôi sợ họ sẽ làm tổn thương con mình.
    • Đôi khi tôi cảm thấy sợ họ.
    • Tôi cảm thấy bản thân có rất ít quyền tự chủ về cuộc đời mình.
    • Tôi không thể hoàn toàn thoải mái khi có họ ở bên.
    • Tôi lo lắng khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn từ họ.
    • Thỉnh thoảng tôi sợ phải về nhà.
    • Tôi thấy lo lắng khi họ về nhà.
    • Tôi cảm thấy bản thân bị tách ra khỏi gia đình và bạn bè kể từ khi chúng tôi ở bên nhau.
    • Tôi cảm thấy bị cô lập.
    • Tôi sống trong nỗi lo sợ và căng thẳng.
    • Tôi cảm thấy không còn tin tưởng vào nhận thức của bản thân về thực tế nữa.
    • Kể từ khi ở bên họ, tôi cảm thấy mình ngu ngốc, xấu xí hoặc vô dụng.
    • Đôi lúc tôi phải xin lỗi hoặc họ bắt tôi xin lỗi vì hành vi của mình, ngay cả khi tôi cho rằng mình không làm điều gì sai.
    • Tôi cảm thấy họ hạ thấp tư cách làm cha/mẹ của tôi.
    • Tôi thường phải bào chữa cho hành vi của họ. Họ đã gặp phải nhiều vấn đề khó khăn và điều này hình thành nên tính cách thích kiểm soát, chiếm hữu và/hoặc hung hãn của họ.
    • Tôi xấu hổ khi đề cập về tình huống này với những người thân thiết của mình.

    Nếu cảm giác của bạn tương đồng với ít nhất một trong những câu này, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình từ người sống chung với bạn.

Cách họ hành xử

Bạo lực gia đình không chỉ là bạo hành về mặt thể chất. Điều này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và lấy đi của bạn các quyền và nguồn lực cơ bản, chẳng hạn như quyền tự do và sự an toàn. 

Định nghĩa chính xác nhất về bạo hành gia đình là kiểm soát cưỡng chế. Đây là hành vi cố ý kiểm soát, cưỡng chế hay đe dọa được thực hiện một cách có chủ đích để khiến bạn trở nên phụ thuộc, lệ thuộc và/hoặc cướp đi quyền tự do hành động của bạn.

Bản chất của những hành vi này có thể là tâm lý, lời nói, tài chính, hành chính, vật chất, thể chất hoặc tình dục.

  • Bạo hành về tâm lý có thể biểu hiện qua những hình thức sau:

    • giám sát hành động, hoạt động, email, các cuộc gọi và/hoặc lịch trình của bạn
    • ngăn cách hoặc ngăn cản bạn gặp gỡ những người thân thiết với mình (bạn bè, gia đình)
    • hăm dọa bạn về mặt cảm xúc 
    • hạ thấp giá trị và/hoặc làm bẽ mặt bạn
    • hăm dọa và/hoặc đe dọa bạn 
    • bắt nạt bạn
    • hạ thấp tư cách làm cha/mẹ của bạn
    • nói hoặc ngụ ý rằng văn hóa, tín ngưỡng của bạn và những lựa chọn liên quan đến chúng là sai hay thấp kém so với họ
    • “thao túng tinh thần” của bạn, điều này có nghĩa là bóp méo hoặc giấu không cho bạn biết các thông tin nhằm khiến bạn nghi ngờ về trí nhớ, nhận thức về thực tế và sức khỏe tinh thần của mình.

    Nếu việc này lặp đi lặp lại, chúng cấu thành hành vi bạo hành về tâm lý trong một mối quan hệ.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ nói rằng tôi không làm điều gì đúng cả.
    • Họ hăm dọa tôi về mặt cảm xúc bằng cách nói rằng nếu tôi thật sự yêu họ, tôi sẽ làm những gì họ muốn.
    • Họ đe dọa làm hại con cái hay vật nuôi của tôi, hoặc cướp chúng khỏi tôi.
    • Họ nói không ai có thể yêu tôi ngoài họ.
    • Họ ngăn cản tôi gặp bạn bè và gia đình mình. 
    • Họ có thể trở nên rất ghen tuông nếu tôi không ở cạnh họ hoặc nếu tôi tiếp xúc với người khác.
    • Họ giám sát lịch trình của tôi. Họ luôn muốn biết tôi đang ở đâu và ở cùng ai.
    • Khi tôi than phiền về cách họ hành xử, họ nói đó là lỗi của tôi. 
    • Họ phớt lờ khi tôi nói chuyện như thể tôi không tồn tại vậy.
    • Họ ép tôi phải làm những chuyện mà tôi thật sự không muốn làm.
    • Họ ép tôi tham gia những hoạt động bất hợp pháp.
    • Họ đe dọa tôi bằng lời nói, bằng đồ vật hoặc bằng các hành động đe dọa mà khiến tôi nghĩ họ sẽ làm tổn thương tôi. 

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành bằng lời nói có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • ra lệnh cho bạn
    • quát mắng bạn
    • sỉ nhục bạn
    • đe dọa bạn hoặc con bạn.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ nói tôi xấu hoặc bẩn thỉu.
    • Họ chê bai giọng nói hoặc ngữ điệu của tôi.
    • Họ xem thường hoặc xúc phạm tôi một cách riêng tư hoặc trước mặt những người khác.
    • Họ quát mắng tôi.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành về tài chính có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • cướp đi nguồn tài chính của bạn
    • giám sát tiền bạc và chi tiêu của bạn
    • tịch thu các phương thức thanh toán của bạn
    • ngăn cản bạn làm việc hoặc thuyết phục bạn giảm số giờ làm việc.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ ngăn cản tôi đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan tới công việc hay học tập.
    • Họ ngăn tôi làm việc, đào tạo hoặc đi lại.
    • Họ ngăn tôi tham gia các lớp học tiếng Pháp.
    • Họ giám sát chi tiêu và/hoặc giữ thẻ ngân hàng và sổ séc của tôi.
    • Họ không cho phép tôi dùng tiền để mua những đồ dùng thiết yếu. Khoản tiền họ cho phép tôi chi tiêu không đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của tôi.
    • Họ yêu cầu tôi phải đáp ứng những điều kiện để có thể được nhận tiền. Ví dụ: nếu tôi khiến họ tức giận, họ sẽ không cho tôi sử dụng tiền.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Ở các gia đình có trẻ em, hầu hết các hành vi bạo hành gia đình đều khiến các bé lo lắng. Bạo hành liên quan tới nuôi dạy con cái có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • Chỉ trích hoặc hạ thấp giá trị của bạn như một người cha/mẹ.
    • Ngăn cản bạn nuôi dạy con mình.
    • Ngăn cản bạn can thiệp để bảo vệ con mình.
    • Hành xử một cách nguy hiểm và gây sợ hãi cho con bạn.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ yêu cầu bạn ngừng chăm sóc cho con cái để chăm lo cho họ.
    • Họ quyết định những việc bạn có thể và không thể làm với con mình.
    • Họ đưa ra các quyết định quan trọng liên quan tới con bạn: trường học, sức khỏe, v.v.
    • Họ chỉ trích cách bạn nuôi dạy con.
    • Họ nói với con bạn rằng bạn là một người xấu.
    • Họ cấm bạn dẫn con ra ngoài mà không thông báo trước cho họ.
    • Họ quyết định khi nào thì con bạn được đến thăm gia đình bạn.
    • Họ đe dọa giữ con lại nếu bạn rời bỏ họ.
    • Nếu bạn bị khuyết tật, họ dựa vào đó để hạ thấp giá trị của bạn như một người cha/mẹ.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành về hành chính có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • tịch thu hoặc đặt ra những điều kiện mà bạn cần đáp ứng để được tiếp cận các giấy tờ hành chính của mình: căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ cư trú, thẻ chăm sóc sức khỏe hay "carte vitale", sổ hộ khẩu hay "livret de famille", sổ sức khỏe hay "carnet de santé", bằng cấp, thông báo thuế, v.v.
    • đe dọa báo cáo bạn để bạn bị trục xuất khỏi Pháp
    • kiểm tra thư từ của bạn: thư tay, email, tin nhắn, v.v.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ giữ giấy tờ tùy thân của tôi.
    • Họ giữ giấy tờ tùy thân của con tôi.
    • Họ đọc những lá thư mà tôi nhận được.
    • Họ cảnh cáo tôi sẽ bị trục xuất khỏi Pháp nếu rời bỏ họ.
    • Họ đe dọa rời bỏ tôi, như vậy tôi sẽ mất quyền cư trú tại Pháp.
    • Họ kiểm soát mọi công việc hành chính của tôi ngay cả khi tôi muốn độc lập.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành về thể chất và vật chất có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • bỏ hay phá hủy các đồ vật
    • rung lắc người bạn
    • đánh bạn bằng tay không hoặc với một đồ vật
    • cắn bạn
    • khiến bạn bị bỏng
    • bóp cổ bạn
    • đẩy bạn 
    • hạn chế bạn và ngăn bạn đi lại tự do
    • giam cầm bạn

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Đôi khi họ trở nên hung hăng – họ có thể đập phá đồ đạc.
    • Họ dùng vũ lực với tôi – họ đã làm tổn thương tôi về mặt thể chất.
    • Thỉnh thoảng họ trở nên bạo lực, nhưng sau đó họ xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm.
    • Họ ép tôi sử dụng chất gây nghiện hay đồ uống có cồn.
    • Họ cố ngăn tôi uống thuốc hay gặp bác sỹ khi cần.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành về tình dục có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • quấy rối tình dục bạn, tức là nhiều lần sử dụng ngôn từ hoặc hành vi tình dục hoặc phân biệt giới tính
    • ép bạn thực hiện các hành vi tình dục
    • ép bạn quan hệ tình dục
    • ép bạn quan hệ tình dục với những người khác để đổi lấy tiền.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ ép tôi làm những hành vi tình dục mà tôi không muốn.
    • Họ ép tôi quan hệ tình dục khi tôi không muốn.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

  • Bạo hành trực tuyến có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

    • giám sát hành động và mối quan hệ của bạn bằng các thiết bị kỹ thuật số: điện thoại, máy tính, v.v. 
    • quấy rối bạn bằng tin nhắn, cuộc gọi hay qua mạng xã hội. 
    • đe dọa đăng thông tin, hình ảnh hay video về bạn lên mạng.

    Bạn thấy những câu dưới đây có mô tả trường hợp của mình không?

    • Họ quấy rối tôi bằng tin nhắn, cuộc gọi hay tin nhắn trên mạng.
    • Họ kiểm tra điện thoại, máy tính và mạng xã hội của tôi. 
    • Họ đe dọa đăng thông tin cá nhân của tôi lên mạng.
    • Họ nói tôi nên đăng những gì lên mạng xã hội.

    Nếu ít nhất một trong những câu này mô tả hành vi của người sống chung với bạn, thì có vẻ như bạn đang gặp phải một hoặc nhiều hình thức bạo hành gia đình.

Việc này xảy ra khi nào?

Bạo hành gia đình có thể xảy ra giữa bất kỳ cặp đôi nào đang hoặc từng ở trong một mối quan hệ thân mật: kết hôn, kết hợp dân sự hay chung sống dân sự, sống chung hay sống xa nhau, chính thức hoặc không chính thức. 

Điều này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong mối quan hệ, ngay cả sau khi ly thân. 

Tuy nhiên, có một vài tình huống dễ xảy ra hoặc làm gia tăng hành vi bạo hành:

  • khi hai người kết hôn 
  • chuyển nhà, đặc biệt khi chuyển ra nước ngoài
  • mang thai, dù mong muốn hay không, và những năm đầu sau khi sinh 
  • những quyết định quan trọng liên quan đến con cái
  • ly thân và khoảng thời gian sau đó.

Một trong những thời điểm nguy hiểm nhất là khi người có hành vi bạo hành cảm thấy họ đang mất quyền kiểm soát và chi phối, điều thường xảy ra khi hai người chia tay. Bạn nên chuẩn bị tinh thần thật tốt, cảnh báo cho những người thân thiết của mình và tìm đến sự tư vấn của những người chuyên gia về bạo hành gia đình. 

Bạo hành có thể xảy đến với bất kỳ ai, bất kể độ tuổi, xuất thân, nghề nghiệp hay tình hình tài chính. Không có nạn nhân hay kẻ bạo hành điển hình.  

Những quan niệm sai lầm phổ biến

  • Điều quan trọng là phải phân biệt được giữa mâu thuẫn và bạo hành gia đình:

    • Mâu thuẫn là chuyện khá bình thường trong một mối quan hệ. Đó là bởi vì hai bên không thường có cùng quan điểm về một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, trong những tình huống này, các bên có thể nói ra quan điểm của họ và sau đó đưa ra quyết định dựa trên sự thỏa hiệp. Đó là một mối quan hệ bình đẳng.
    • Dấu hiệu của bạo hành gia đình là việc một bên chi phối bên còn lại trong mối quan hệ. Các bên không ở trong một mối quan hệ bình đẳng. Một bên thực thi quyền lực với bên còn lại nhằm chi phối, kiểm soát và tạo nên sự lệ thuộc vào họ.
    • Nếu trong một cuộc tranh cãi, người sống chung với bạn sử dụng một trong những hành vi bạo hành này, thì đó không còn là tranh cãi thông thường nữa mà là bạo hành gia đình.

    Nếu người sống chung với bạn nhiều lần dùng những hành vi như thế này hoặc tương tự ngay cả khi không tranh cãi thì đó chính là bạo hành gia đình.

  • Người bạo hành thường nắm quyền bằng cách can thiệp sâu vào mối quan hệ. Họ thường là những người có khả năng chi phối cao và có khả năng đánh lừa những người xung quanh.

    Họ có thể đạt chuẩn một bạn đời hoàn hảo: 

    • họ tỏ ra rất ân cần chu đáo và hỗ trợ đối phương rất nhiều
    • họ có thể bày tỏ cho đối phương thấy sự ân cần của mình 
    • họ bộc lộ cảm xúc yêu đương trong thời gian ngắn. 

    Đây thực chất là những chiến lược để giành quyền kiểm soát. Sau đó họ thành công trong việc cô lập đối phương, khiến họ nghi ngờ về bản thân và mất dần sự tự tin. Đối phương dần trở nên lệ thuộc vào họ.

  • Nhìn ở góc độ nào đi nữa thì đó không phải lỗi của bạn nếu họ phạm phải một trong những dạng bạo hành này. Không có lời biện minh hay bào chữa nào cho hành vi bạo hành cả.

    Với người ngoài, những thủ phạm bạo hành gia đình thường tỏ ra quyến rũ, hào phóng và lễ độ. Nhưng điều đó không phản ánh con người thật của họ trong mối quan hệ thân mật. Họ chi phối người xung quanh và đặc biệt giỏi trong chuyện này.

  • Dù có thế nào thì đó cũng không phải là lỗi của bạn. 

    Việc phụ nữ gặp phải đối phương có hành vi bạo hành nhiều hơn một lần là chuyện rất bình thường. 

    Tình trạng bạo lực từ nam giới hiện rất phổ biến trong xã hội của chúng ta, đến mức cứ ba người phụ nữ thì có một người gặp phải bạo hành gia đình trong đời. Điều này có nghĩa là đàn ông thực hiện hành vi bạo hành gia đình trong cuộc sống của họ.

  • Tiếc là đối phương sẽ không thay đổi.

    Bạo hành gia đình thường xảy ra theo một chu kỳ với bốn giai đoạn tiếp diễn ở tốc độ thay đổi, làm tăng quyền kiểm soát với nạn nhân của bạo hành:

    Căng thẳng

    • Người sống chung với bạn ngày càng thiếu kiên nhẫn, không khoan dung và/hoặc hung hãn.
    • Điều này tạo nên bầu không khí căng thẳng và lo sợ trong một mối quan hệ.
    • Bạn lo rằng bạo lực sẽ xảy ra nên cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ.
    • Bạn cẩn trọng với những gì bạn nói và làm.

    Những sự cố bạo lực

    • Người sống chung với bạn khẳng định sức mạnh và quyền kiểm soát với bạn.
    • Họ kiểm soát, làm hại và/hoặc làm bẽ mặt bạn.
    • Bạn áp dụng nhiều chiến lược bảo vệ khác nhau.

    Biện minh

    • Người sống chung với bạn sử dụng những lý do khách quan để biện minh cho hành vi bạo lực của họ.
    • Họ cố gắng khiến bạn tin rằng hành vi của họ là chính đáng.
    • Họ có thể tối thiểu hóa mức độ nghiêm trọng của những chuyện đã xảy ra.
    • Bạn cố gắng hiểu nguyên nhân của họ và thậm chí có thể nghĩ rằng đó là lỗi của bạn.
    • Bạn tin rằng khi bạn thay đổi cách tiếp cận của mình, điều này sẽ không tái diễn.

    Điềm tĩnh

    • Người sống chung với bạn muốn duy trì mối quan hệ và xây dựng lại lòng tin trong bạn.
    • Bạo lực giảm bớt hoặc biến mất.
    • Họ chu đáo và khiến bạn cảm thấy họ đang cố gắng thay đổi.
    • Họ có thể tỏ ra dễ tổn thương.
    • Bạn cảm thấy như mình đã tìm lại được con người mà bạn yêu.
    • Bạn có thể dần hạ thấp kỳ vọng về đối phương và thậm chí thay đổi cả thói quen của bản thân với hy vọng kéo dài khoảng thời gian này hoặc đối phương sẽ thay đổi.

    Những chu kỳ này lặp lại càng nhiều, những khoảng thời gian này sẽ trở nên thường xuyên hơn và những thời kỳ điềm tĩnh trở nên hiếm hoi. 

    Dần dà, sức chịu đựng của bạn sẽ tăng dần, và việc này có thể ngăn bạn nhận ra sự bạo hành diễn ra hàng ngày.  

  • Trách nhiệm này không phải của bạn. Tuy nhiên họ biện minh cho điều đó, đối phương hay người cũ của bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho hành vi bạo lực họ gây ra cho bạn. 

    Hành vi của họ là bất hợp pháp và phải bị pháp luật trừng trị. 

    Đáng tiếc là bạo hành gia đình diễn ra rất phổ biến. Cứ ba người phụ nữ thì có một người gặp ít nhất một hình thức bạo lực nam giới trong cuộc sống.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Có rất nhiều dịch vụ ở Pháp có thể giúp đỡ, cho bạn lời khuyên, và hỗ trợ bạn về các thủ tục và giấy tờ. Đa số các dịch vụ này đều miễn phí.

  • Dịch vụ tư vấn điện thoại này dành cho những người đang đối mặt với những hình thái bạo lực và những người giúp đỡ họ.

    • Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.
    • Một nhân viên tư vấn đã qua đào tạo sẽ lắng nghe và giúp đỡ bạn qua điện thoại. Họ có thể hướng dẫn bạn tới các dịch vụ phù hợp gần bạn.
    • Ngôn ngữ khả dụng: Tiếng Pháp. Đôi khi những ngôn ngữ sau cũng khả dụng: Tiếng Anh, Tiếng Ả Rập, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Tiếng Quan Thoại, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Kurd, Tiếng Azeri, Tiếng Ba Lan, Tiếng Do Thái, Tiếng Ba Tư, Tiếng Soninké, Tiếng Creole, Tiếng Kinyarwanda, Tiếng Kirundi và Tiếng Swahili. Hiện tại, những ngôn ngữ này không khả dụng ngoài giờ làm việc và đột xuất.
    • Liên hệ: gọi số 3919, dịch vụ hoạt động 24/7. Cuộc gọi sẽ không hiển thị trên hóa đơn điện thoại của bạn.
    • Đối với người khiếm thính, gặp khó khăn khi nghe, những người bị mất ngôn ngữ hoặc những người bị khiếm khuyết về ngôn ngữ, bạn có thể tiếp cận dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình bằng cách nhấp vào biểu tượng điện thoại ở dưới cùng bên phải của trang web http://www.solidaritefemmes.org.
  • Centres d'Information sur les Droits des Femmes et des Familles (CIDFF)” giúp công chúng, đặc biệt là phụ nữ, trong nhiều lĩnh vực như: quyền hợp pháp, sức khỏe, tìm kiếm việc làm, đào tạo, thành lập doanh nghiệp, và thậm chí là chăm sóc trẻ em.

    • Những dịch vụ này đều miễn phí.
    • Họ sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những quyền bạn có và các bước cần thực hiện. Một số trung tâm có thể hỗ trợ bạn về thủ tục và giấy tờ.
    • Ngôn ngữ khả dụng: chủ yếu là tiếng Pháp.
    • Liên hệ: bạn sẽ tìm thấy chi tiết liên hệ của “CIDFF” tại khu vực bạn sống trong danh bạ này.
  • Associations” là những tổ chức cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau.

    • Những dịch vụ này đều miễn phí.
    • Các dịch vụ được cung cấp giữa các “association” khác nhau đáng kể. Họ có thể tư vấn và đôi khi hỗ trợ bạn về các thủ tục và giấy tờ.
    • Ngôn ngữ khả dụng: chủ yếu là tiếng Pháp.
    • Bạn sẽ tìm thấy danh sách các “associations” ở gần bạn chuyên giúp đỡ nạn nhân của vấn nạn bạo lực trong danh bạ này bằng cách chọn ban tiếng Pháp.

Mặc dù chúng tôi cố gắng hết sức để cung cấp cho bạn thông tin chính xác và cập nhật nhất, nhưng trang này không nhằm mục đích thay thế lời khuyên pháp lý hoặc chuyên nghiệp. Luật và thủ tục thay đổi thường xuyên nên việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia có trình độ là vô cùng quan trọng.

Có lẽ bạn cũng quan tâm

Biết phải làm gì nếu bạn chứng kiến hành vi bạo hành trong gia đình

Bạo hành gia đình không phải là một vấn đề riêng tư. Nếu bạn chứng kiến hành vi bạo hành trong gia…

Hiểu tác động của bạo hành gia đình đối với bạn và con trẻ

Bạo hành gia đình có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt xã hội, thể chất và tâm lý.…

Bảo vệ bản thân khi bị tấn công

Nếu vợ/chồng hoặc vợ/chồng cũ của bạn bắt đầu trở nên hung hăng, hãy cố gắng đảm bảo an toàn cho bản…

Yêu cầu thẩm phán ngăn vợ/chồng cũ tiếp cận bạn

Nếu bạn nghĩ rằng bạn và/hoặc con của bạn có nguy cơ bị lạm dụng nghiêm trọng hơn, bạn có thể yêu…

Gọi dịch vụ khẩn cấp: cảnh sát, cứu thương

Trong trường hợp khẩn cấp, gọi 17 để báo cảnh sát hoặc 112 cho dịch vụ y tế khẩn cấp. Vai trò của họ…

Để yêu cầu cảnh sát can thiệp:

Di chuyển lên đầu